Tuổi dậy thì là cột mốc lớn đánh dấu sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ trước khi trưởng thành, đặc biệt là sự phát triển các đặc tính về giới và chức năng sinh sản. Vậy dậy thì ở trẻ bắt đầu từ khi nào, tiến triển ra sao và ta có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn này như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Tuổi dậy thì bắt đầu khi nào?
Thời gian bắt đầu quá trình dậy thì ở mỗi trẻ không giống nhau, thông thường các bé gái thường dậy thì sớm hơn bé trai cùng lứa tuổi, bắt đầu dậy thì từ 9 – 11 tuổi và kết thúc vào khoảng 15 – 17 tuổi. Nam giới thì bắt đầu muộn hơn vào khoảng từ 12 – 14 tuổi, kết thúc khi bước vào độ tuổi 16 – 18 tuổi.
Một số trường hợp khác mà trẻ có thể dậy thì sớm (trước 9 tuổi với nữ và 11 tuổi với nam) hoặc dậy thì muộn hơn bởi ảnh hưởng của bệnh lý mắc phải, rối loạn dinh dưỡng, tâm lý tiêu cực hay môi trường sống…
Dấu hiệu nhận biết trẻ đang tuổi dậy thì
Dậy thì ở nữ giới
Ngoại hình:
Tuyến vú hai bên bắt đầu phát triển khiến bầu ngực nhô dần lên. Phần hông của bé gái cũng dần thu nhỏ, mông nảy nở hơn từ đó định hình dần dáng vóc mảnh mai, tạo đường nét quyến rũ của thiếu nữ. Kinh nguyệt thường xuất hiện sau 2 năm kể từ khi trẻ có dấu hiệu dậy thì đầu tiên, chu kì kinh nguyệt mới đầu có thể gặp rối loạn và thường sẽ tự ổn định lại 1- 2 năm kế đó.
Màu sắc và hình dạng của “cô bé: thay đổi: Môi bé phát triển hơn, lưu lượng máu hoạt động ở đây nhiều hơn khiến cho môi bé có màu thẫm hơn trước. Âm hộ sẽ ẩm ướt hơn và xuất hiện những chất dịch màu trắng ở âm đạo. Tăng tiết mồ hôi và chất nhờn, xuất hiện mụn trứng cá trên mặt hoặc một số bộ phận khác như mặt ngoài cánh tay.
Lông phát triển nhiều hơn, màu đậm hơn ở các bộ phận trên cơ thể như mu, mép, nách, tay, chân. Chiều cao tăng vọt: trung bình trẻ có thể cao từ 7 – 10 cm. Cân nặng cũng tăng lên theo đó nhưng tùy theo tạng người của các bé gái, nhiều trường hợp nhẹ cân nhưng ngược lại cũng có những bạn bị thừa cân, béo phì điều này có thể gây ra thêm tình trạng rạn da ở trẻ. Giọng nói thay đổi, thường có tông giọng cao, trong trẻo và nhẹ nhàng hơn.
Tâm lý:
Trẻ gái bắt đầu biết làm dáng như để ý đến cách ăn mặc, kiểu tóc của bản thân.
Chú ý đến hình tượng của mình và nhạy cảm hơn trước những lời nói, hành động của mọi người đối với mình. Mong muốn kết giao bạn bè. Nhiều bạn có thể so kè các bạn gái khác về nhiều mặt như ngoại hình, thành tích học tập…
Bắt đầu có những tình cảm với bạn khác giới như nhớ mong hay thần tượng một bạn nào đó, trong độ tuổi này các bạn gái thường thích những bạn trai có thành tích cao và điển trai. Đồng thời, trẻ trong giai đoạn này cũng bướng bỉnh và thích mình từ quyết định mọi việc của bản thân.
Biểu hiện ở các chàng trai trong độ tuổi dậy thì
Hình thái:
Cơ quan sinh dục: Dương vật phát triển, bìu dần trở nên sậm màu hơn. Tinh hoàn hai bên lớn dần và thực hiện chức năng sinh tinh của mình. Các trẻ nam sẽ xuất hiện những giấc mộng tinh ngọt ngào trong tuổi dậy thì. Yết hầu cũng lộ rõ dần, tạo nên điểm khác biệt dễ nhận biết nhất của nam so với nữ giới.
Vóc dáng thay đổi không chỉ chiều cao tăng lên nhanh chóng mà cơ bắp của các bé trai cũng lộ rõ dần (vai to, ngực nở…). Chiều cao cũng cải thiện nhanh chóng (dao động khoảng 10 – 15 cm) Giọng nói tông giọng trầm, khàn và ồm hơn trước (hay còn được gọi là vỡ giọng khi mới bước vào tuổi dậy thì do thanh quản mở rộng, dây đới thanh quản dày và to lên)
Lông điển hình nhất là vùng mép, cẳng chân, nách và mu, lông sẽ mọc dày và nhiều lên, đặc biệt là vùng ria mép và lông mu. Tương tự như nữ giới thì các chàng trai của chúng ta cũng tăng tiết mồ hôi và chất nhờn nhiều hơn tạo nên mùi đặc trưng của cơ thể, cùng với đó là xuất hiện “đậu thanh xuân” (mụn trứng cá) trên mặt.
Tính cách:
Xu hướng thể hiện cái tôi cá nhân mạnh mẽ hơn, thích được tự do làm điều mình thích trở nên ương bướng trong nhiều chuyện, gượng ép thực hiện theo ý ba mẹ hay trốn tránh sự kiểm soát từ gia đình, đặc biệt là giai đoạn trẻ từ 10 – 14 tuổi. Quan tâm đến hình ảnh của bản thân: trẻ chăm chút đến ngoại hình và xây dựng phong cách sống riêng.
Dễ bộc lộ tích cách thông qua hành động, các bạn gái trở nên nhạy cảm và tinh tế hơn trước. Thích kết giao bạn bè, mở rộng các mối quan hệ. Cũng có những cảm xúc rung động đầu đời trước bạn khác giới. Để ý đến ánh mắt của người khác nhìn mình, so kè với các bạn cùng trang lứa.
Tuy nhiên, những sự thay đổi nhanh chóng của cơ thể khiến cho nhiều bạn chưa thích nghi kịp khiến cho tâm lý đôi khi trở nên mặc cảm, tự ti hay lo sợ điều gì đó. Vậy ta cần làm gì để giúp các bạn dậy thì thành công và trưởng thành.
Những điều cần làm cho trẻ tuổi dậy thì
Giáo dục sức khỏe giới tính ở gia đình và nhà trường, đây là điều đầu tiên mà chúng ta cần suy nghĩ và thực hiện trước nhằm giúp trẻ nhận biết được những thay đổi của bản thân và cách để dung hòa chúng. Giúp trẻ, nhất là các bé gái tránh được lạm dụng tình dục – vấn đề đang ngày một báo động ở nhiều nơi.
Dành thời gian gần gũi và trò chuyện giúp trẻ giảm bớt lo âu, stress khi gặp phải các vấn đề tế nhị trong sinh hoạt thường ngày. Hạn chế đánh mắng trẻ hay thực hiện hành vi bạo lực trước mặt trẻ. Tôn trọng quyền tự do của trẻ nhưng cũng có những luật lệ riêng cho trẻ tuân theo. Cùng trẻ xây dựng chế độ sinh hoạt, làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng và kiểm soát cân nặng hợp lý theo từng độ tuổi của trẻ. Cho trẻ đi thăm khám định kỳ để đánh giá được sự tăng trưởng, cũng như phát hiện và điều trị kịp thời những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Những thông tin mang tính chất tham khảo phía trên hy vọng sẽ bỏ túi cho các bạn những điều cần biết về tuổi dậy thì.